Xe cộ an toàn hơn
Sự thật
Độ an toàn của xe cộ đang liên tục được nâng cao và các công nghệ mới đang giúp tài xế, hành khách và những người tham gia giao thông khác được an toàn hơn.
- Độ tuổi trung bình của xe cộ ở Victoria là trên 10 năm.
- Nguy cơ bị tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng sẽ thấp hơn khi bạn đi xe có xếp hạng an toàn mức 4 hoặc 5 sao.
- Tài xế lớn tuổi (trên 70) và tài xế trẻ tuổi thường hay lái những chiếc xe cũ hơn, kém an toàn hơn.
- Khi bạn đang tìm mua xe mới, điều quan trọng là phải tìm hiểu xem xe đó có những tính năng an toàn nào. Trang mạng Xe hơi của Bạn An toàn đến Mức nào (The How Safe is Your Car website) là nơi tốt để bắt đầu. Bạn có thể tìm được chiếc xe có xếp hạng an toàn 4 hoặc 5 sao với giá dưới 5.000 đô–la, vì vậy, cho dù bạn có bao nhiêu tiền, sẽ luôn có chiếc xe phù hợp với bạn.
Các tính năng an toàn quan trọng của xe hơi cần chú ý:
- Hệ thống Kiểm soát Ổn định Điện tử (Electronic Stability Control – ESC) – Cảm nhận khi xe bị lạc tay lái. Hệ thống này sẽ dùng các thắng xe riêng để giúp duy trì sự ổn định và lái xe theo hướng đã định.
- Thắng xe Tự động Khẩn cấp (Auto Emergency Braking – AEB) –Xe hơi được trang bị AEB có khả năng va chạm với xe cộ phía trước thấp hơn 38% so với những xe tương tự không có AEB.
- Cảnh báo Lệch Làn đường (Lane Departure Warning) – Cảnh báo cho tài xế biết xe hơi sắp băng qua vạch kẻ và rời khỏi làn đường của mình.
- Bộ căng Dây An toàn Trước Va chạm (Seatbelt Pre–tensioners) – Kéo chặt dây an toàn ngay trước khi va chạm, bảo vệ người trong xe khi đụng xe xảy ra.
- Túi khí (Airbags) – Khi được sử dụng kết hợp với dây an toàn được thắt đúng cách, túi khí phía trước sẽ bảo vệ tốt nhất trong trường hợp đụng xe từ phía trước.
- Túi khí Sườn Xe (Side Curtain Airbags) – Trong trường hợp xảy ra đụng xe từ bên sườn, túi khí sườn xe sẽ thả xuống giống như tấm rèm từ thanh vịn phía trên cửa. Chúng làm đệm cho đầu tránh bị toàn bộ tác động do xe cộ hoặc vật thể khác gây ra. Tỷ lệ tử vong của tài xế đã giảm 37% trong các vụ đụng xe từ bên hông.
- Vùng hấp thụ Xung lực (Crumple Zones) – Bộ phận của xe, đặc biệt là phía trước và phía sau, được thiết kế để dễ dàng bị biến dạng khi đụng xe và hấp thụ xung lực chính, nhằm bảo vệ người ở trong xe.
- Hệ thống Hỗ trợ Tốc độ (Speed Assistance Systems) – Giúp tài xế giữ tốc độ trong giới hạn cho phép. Với việc bản đồ điện tử của mạng lưới đường lộ, khớp với giới hạn tốc độ, chức năng Hỗ trợ Tốc độ Thông minh (Intelligent Speed Assist – ISA) sẽ cảnh báo để tài xế chạy chậm lại nếu họ vượt quá giới hạn tốc độ.
- Khoang Hành khách Chắc chắn (Strong Occupant Compartment) – Khoang của xe phải giữ nguyên hình dạng khi xảy ra đụng xe để bảo vệ không gian của tài xế và hành khách.
Đội xe an toàn hơn
Chủ lao động có trách nhiệm đảm bảo đội xe mà nhân viên của họ lái phải có tình trạng máy móc tốt và xếp hạng an toàn cao. Chủ lao động cũng cần đảm bảo nhân viên cam kết lái xe có trách nhiệm khi dùng xe của họ. Đây là lý do tại sao chúng tôi khuyến khích tất cả các doanh nghiệp áp dụng chính sách đội xe an toàn (fleet safety policy) để bảo vệ nhân viên và cộng đồng.
- Đụng xe trên đường là hình thức tử vong, thương tích và nghỉ làm, liên quan đến công việc phổ biến nhất, và nghiên cứu cho thấy mỗi năm có ¼ tổng số xe hơi của các công ty ở Úc có liên quan đến đụng xe.
- Tài xế có thể mệt mỏi và có thể tăng tốc để đáp ứng lịch trình bận rộn
- Tài xế cũng có thể thiếu quan tâm đến độ an toàn của xe vì đây là xe của công ty.
- Điều quan trọng cần nhớ là không phải tất cả các xe hơi đều được sản xuất như nhau. Mặc dù nhiều tính năng an toàn như túi khí đã trở thành tiêu chuẩn trong tất cả các xe mới, nhưng cũng có những công nghệ mới hơn thì chưa.
- Khi bạn đang tìm mua xe mới hoặc xe cũ, hãy kiểm tra mức xếp hạng an toàn và nhiều công nghệ an toàn có sẵn trước khi mua. Hãy truy cập trang mạng Xe hơi của Bạn An toàn đến Mức nào (The How Safe is Your Car) để tìm xe an toàn.
Lái xe trong thành phố
Lái xe trong thành phố
Khi lái xe trong thành phố, bạn phải đối phó với rất nhiều xe cộ, tài xế phản ứng bất ngờ, xe tải, giao điểm đường ray, người đi xe đạp, xe máy, người đi bộ, sự cố hỏng xe và nhiều thứ nữa.
Lời khuyên về lái xe trong thành phố
- Những người tham gia giao thông khác – Dự đoán hành vi của những người khác trên đường – nhìn trước, nhìn sau và chuẩn bị cho những điều bất ngờ.
- Giao lộ – Hãy chú ý cẩn thận khi lái xe qua giao lộ – đây là khu vực có nguy cơ đụng xe cao.
- Gương – Sử dụng tất cả các gương xe nhưng chú ý các điểm mù – luôn nhìn nhanh qua vai trước khi chuyển làn đường hoặc lái xe ra khỏi lề đường.
- Đèn báo – Luôn báo hiệu khi rẽ hoặc chuyển làn đường.
- Tạo khoảng trống – lái xe trong thành phố thường có mật độ xe cộ đông đúc hơn, điều quan trọng vẫn là đảm bảo có đủ khoảng cách giữa bạn và xe phía trước để bạn có thể tránh đụng đầu xe của mình vào đuôi xe trước.
- Chú ý đến những người tham gia giao thông dễ bị tổn thương – người đi xe đạp và xe máy có nguy cơ bị thương cao hơn khi đụng xe. Hãy chắc chắn là bạn để ý đến họ, đặc biệt là khi lái xe vào và ra khỏi bãi đậu xe.
- Giữ bình tĩnh – bạn không thể kiểm soát mọi thứ trên đường và có thể có những điều làm bạn khó chịu. Giữ bình tĩnh sẽ giúp bạn tránh đưa ra những quyết định mạo hiểm khi lái xe.
- Quẹo móc câu – một số giao lộ ở Khu Thương mại Trung tâm Melbourne (CBD) chỉ cho phép quẹo theo hình móc câu. Hãy đảm bảo là bạn biết cách quẹo xe này để không bị căng thẳng vào lúc đó. Tìm hiểu thêm trên trang mạng của VicRoads.
Tài xế ở nông thôn
Lái xe ở vùng nông thôn
Lái xe trên đường lộ ở vùng nông thôn có thể hoàn toàn khác với lái xe trong thành phố hoặc thị trấn. Tốc độ cao hơn, bề mặt đường khác hơn và nhiều động vật hoang dã hơn có thể khiến việc lái xe ở vùng nông thôn khó hơn.
Lời khuyên về lái xe ở vùng nông thôn:
- Khoảng cách an toàn – Giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước và cách nhau ít nhất hai giây – tốt nhất là ba giây. Nếu điều kiện lái xe bị ảnh hưởng do trời mưa hoặc tầm nhìn hạn chế, hãy tăng khoảng cách lên ít nhất bốn giây.
- Vượt xe – Đừng vượt trừ khi việc đó an toàn. Khi quay trở lại làn bên trái, hãy dành đủ khoảng cách là đã vượt hẳn qua các xe khác.
- Giữ xe đi bên trái – Trừ khi vượt, luôn luôn đi làn đường bên trái. Điều này không chỉ là phép lịch sự; luật pháp đòi hỏi xe cộ tránh làn bên phải trên đường nhiều làn có giới hạn tốc độ trên 80 km/h.
- Cảnh giác với động vật hoang dã – có nhiều động vật hoang dã hơn trên đường lộ ở vùng nông thôn, hãy cẩn thận hơn vào lúc bình minh và hoàng hôn khi động vật hoang dã bản địa có thể hoạt động nhiều hơn.
- Mệt mỏi – lái xe ở vùng nông thôn có thể bao gồm quãng đường và thời gian lái xe dài hơn. Sự mệt mỏi của tài xế chiếm tới 20% số ca tử vong trên đường lộ của chúng ta.
Lời khuyên lái xe an toàn
Lái xe ban đêm
Nguy cơ đụng xe gia tăng vào ban đêm. Việc quan sát sẽ khó hơn vì xe cộ và người đi đường sẽ khó phát hiện hơn và đèn của các xe khác có thể gây khó khăn cho việc phán đoán khoảng cách. Vào ban đêm, nhiều người đi đường có thể đã uống rượu, khiến hành vi của họ trở nên khó lường và nguy hiểm hơn.
Lời khuyên về lái xe ban đêm:
- Đèn pha – Đèn pha và đèn hậu phải được bật từ lúc hoàng hôn đến khi bình minh. Bạn phải bật đèn pha ở chế độ chiếu gần khi có xe cộ khác ở trong phạm vi 200 mét. Điều này bao gồm bật đèn pha ở chế độ chiếu gần khi lái phía sau xe khác 200 mét hoặc ít hơn.
- Xe đang chạy về phía bạn – Khi có xe bật đèn pha ở chế độ chiếu xa đang chạy về phía bạn, hãy nhìn về phía bên trái đường và lái xe về phía bên trái làn đường của bạn. Bạn có thể cần giảm tốc độ và tấp vào lề đường để mắt phục hồi nếu ánh đèn làm bạn lóa mắt.
- Hỏng xe – Nếu xe của bạn bị hỏng trên đường, hãy đảm bảo rằng những tài xế khác có thể nhìn thấy xe của bạn và dừng lại kịp thời. Nếu có đèn cảnh báo nguy hiểm thì bật lên. Nếu có thể, hãy tấp vào lề đường nhưng tránh dừng lại ngay sau khi vừa qua ngọn đồi hoặc ngay quanh khúc đường cua.
- Miếng phản quang – Miếng phản quang hoặc cột hướng dẫn ở vùng nông thôn giúp bạn nhìn thấy con đường phía trước. Miếng phản quang màu đỏ luôn ở bên trái đường và miếng phản quang màu trắng ở bên phải.
Tình hình thời tiết
Lái xe trong mưa, sương mù, tuyết và ánh nắng chói chang cần phải hết sức thận trọng vì những hoàn cảnh này có thể làm giảm tầm nhìn hoặc tăng nguy cơ trượt bánh và mất kiểm soát.
Lời khuyên cho mọi tình hình thời tiết
- Giảm tốc độ – Giảm tốc độ trong thời tiết xấu vì thời gian phục hồi của bạn sẽ khá hơn nếu xảy ra sự cố.
- Sương mù – Nếu bạn nhìn thấy sương mù dày đặc và sương mù phía trước, hãy giảm tốc độ trước khi bạn đi vào. Trong sương mù dày đặc, hãy đảm bảo rằng bạn luôn biết mình đang ở đâu trên đường và không bao giờ lái xe với tốc độ mà buộc bạn phải đoán xem phía trước có gì. Tránh vượt.
- Mưa – Mưa lớn có thể có tác động tương tự như sương mù khiến tầm nhìn hạn chế làm bạn khó xác định vị trí của mình trên đường so với các xe cộ khác.
- Băng – Lái xe chậm trên băng và tuyết để duy trì lực kéo. Thắng xe phải nhẹ nhàng và không được để đến phút cuối, và giữ đều lực nhấn chân ga để giảm khả năng bánh xe bị quay và mất kiểm soát.
- Ánh sáng chói của mặt trời – Cẩn thận với ánh sáng mặt trời làm chói mắt, chiếu trực tiếp từ mặt trời hoặc phản chiếu từ xe cộ và đồ vật khác. Bạn có thể cần giảm tốc độ hoặc sử dụng các thiết bị hỗ trợ như tấm che nắng và kính mát.
- Đèn cảnh báo nguy hiểm – Bật những đèn này trong tình hình thời tiết nguy hiểm khi tầm nhìn bị hạn chế.
Kéo rơ–moóc
Bất kỳ xe cộ nào bạn kéo phía sau xe đều được phân loại là rơ–moóc cho dù đó là xe caravan, xe chở ngựa, thuyền, máy móc di động hoặc thiết bị tương tự. Xe hơi hoạt động khác đi khi kéo theo rơ–moóc. Xe tăng tốc chậm hơn và mất nhiều thời gian hơn để dừng lại. Gió bên hông, chạy qua các xe cộ khác, chỗ mấp mô và ổ gà trên đường có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của xe.
Kéo theo rơ–moóc có nghĩa là bạn cần tập trung hơn và sử dụng các kỹ thuật lái xe khác để xử lý các đòi hỏi thêm đặt ra cho bạn.
Lời khuyên cho việc kéo rơ–moóc:
- Nhìn phía trước – Nhìn phía trước xa hơn bình thường để dự đoán chuyển động của các xe cộ khác và tình hình đường xá.
- Khoảng cách – Giữ khoảng cách xa hơn với xe phía trước vì trọng lượng tăng thêm của rơ–moóc cần nhiều không gian hơn để dừng lại.
- Vượt xe – Nếu vượt xe khác, hãy chừa thêm khoảng cách để vượt. Trên các đoạn đường dốc dài hoặc dốc đứng, hãy chọn số thấp hơn để tăng khả năng kiểm soát xe và giảm lực thắng.
- Lắc lư – Giảm nguy cơ lắc lư bằng cách tránh chuyển làn đường hoặc chuyển hướng đột ngột. Nếu bị lắc lư, hãy duy trì tốc độ ổn định hoặc tăng tốc nhẹ cho đến khi bạn kiểm soát lại được xe. Không đạp thắng trừ khi thực sự cần thiết. Gió mạnh bên hông có thể gây lắc lư đối với các xe lớn như xe caravan. Nếu thời tiết hay đường xá rất xấu, tốt hơn là đừng kéo.
- Phương tiện Giao thông Khác – Nếu phía sau bạn có hàng dài các xe khác, thì khi có thể, hãy để các xe cộ phía sau vượt qua bạn. Điều này có thể là thỉnh thoảng phải tấp xe vào lề đường và dừng lại.